Trong lễ truy điệu cô giáo trẻ đẹp mới 21 tuổi này, hiệu trưởng giở cuốn nhật ký củacô ra, rơi nước mắt trước mặt học sinh và đọc, cô giáo đã viết thế này: Mỗi lần bán dâm, có thể giúp được một đứa trẻ nghèo thất học; Làm gái bao cho người khách một lần, có thể vực dậy cả một ngôi trường tiểu học hy vọng…
ảnh minh họa
Ân Thái Hà sinh ra trong một ngôi làng nghèo khó của tỉnh Cam Túc, những cô gái trong làng bất kể xấu hay đẹp đều đi xuống phía Nam, tới các thành phố ven biển sầm uất để kiếm việc làm. Mỗi khi tết đến, họ trang điểm ăn mặc đẹp đẽ, túi lớn túi nhỏ về quê. Nhưng Ân Thái Hà sau khi tốt nghiệp phổ thông đã không làm như thế, rất nhiều người khó hiểu, dù sao thì cô cũng là người xinh đẹp thứ nhất thứ nhì trong thôn. Cùng vì lẽ đó, bố cô thường mắng con mình không làm được gì mở mày mở mặt.
Nghe nói một trường tiểu học gần nhà thiếu giáo viên, cô đã xin hiệu trưởng cho đến dạy học. Vì trình độ khá, qua được kỳ sát hạch của nhà trường, Ân Thái Hà trở thành giáo viên thôn.
Lần đầu tiên bước vào lớp học, cô thấy lũ trẻ đang huyên náo, chúng chưa bao giờ nhìn thấy một cô giáo xinh đẹp như thế. Nói là lớp học cho sang, chứ chẳng qua chỉ là một mái lá che được gió mưa mà thôi, tường bằng cây, bàn học bằng đá, bục giảng đắp bằng gạch, thứ đắt tiền nhất là tấm bảng đen, được xẻ ra từ đá, mài nhẵn rồi quét sơn đen lên. Phấn cũng không đủ dùng. Và trong hoàn cảnh đó, cô giáo Ân Thái Hà dạy lớp học trò học hết mấy nghìn chữ Hán, theo đó là những câu chuyện kể làm người.
Một đêm gió bão lớn, gió đã thổi bay mái lớp học, tấm bảng đen cũng bị xô đổ. Ngày hôm sau đến lớp, cả cô và trò đều không biết làm thế nào.
Thầy hiệu trưởng đi lên huyện, tìm Trưởng phòng giáo dục, kết quả là tay không đi về. Buổi tối về đến nơi ông kể với Ân Thái Hà, Trưởng phòng giáo dục bảo cô Hà lên đây thì sẽ cho tiền.
Chưa từng bao giờ đi xa khỏi quê, cũng chưa từng tiếp xúc gặp gỡ ai có chức có quyền, nhưng Ân Thái Hà quyết tâm đi mười mấy cây số về huyện. Trưởng phòng giáo dục huyện ở trong phòng làm việc rất hiện đại, tường treo cả tranh gấm, bàn làm việc là thứ gỗ đen ửng hồng, có thể soi bóng như gương, bên trên dựng một lá quốc kỳ Trung Quốc nho nhỏ, ghế ngồi là ghế da, bóng lên. Còn bóng hơn cả cái trán hói của Trưởng phòng.
Chiều tối, Trưởng phòng kéo tay cô giáo Hà sang phòng bên, nói sang đây lấy tiền. Nhưng Ân Thái Hà đã mất đi đời con gái ở căn phòng đó.
Tối hôm đó Ân Thái Hà băng đường về nhà. Ngày hôm sau, người dân trong thôn kéo đến lợp lại trường, mua tạm vài thứ vật liệu tạm bợ dựng lại. Nhưng suốt hai ngày mưa gió, vẫn chưa thể dạy học được. Cô giáo hứa với lũ trẻ, chỉ sau vài hôm, Phòng giáo dục sẽ cho người đến xây trường. Nhưng sau đó nửa năm không hề có ai xuống, và hiệu trưởng đi lên huyện cũng không lấy được đồng nào.
Khi nhận ra mong chờ của lũ trẻ trở thành bong bóng, Ân Thái Hà đứng trước gương tự vấn mình vì sao đã hy sinh vô ích bản thân mình. Cô biết những cô gái thời thượng về làng, ở những thành phố kia họ làm cái nghề gì, nhưng về làng vẫn cứ hơn người. Hôm sau, Ân Thái Hà thay đồ, tạm biệt hiệu trưởng, tạm biệt bố mẹ, lớp học rách nát, ngắt một bông hoa tầm ma cài lên tóc rồi lên đường ra thành phố.
Khi cô đi, bố cô thì cười còn ông hiệu trưởng thì khóc.
Nơi đặt chân đầu tiên của Ân Thái Hà là một tiệm cắt tóc. Sau khi tiếp người khách đầu tiên, Ân Thái Hà ghi vào nhật ký: Trưởng phòng giáo dục còn thua một người khách mua dâm!
Ân Thái Hà là cô gái dè sẻn chi tiêu nhất trong tất cả những chị em ở đó. Ít quần áo trang sức nhất, cô lại thích cài một bông tầm ma lên tóc, vậy mà Ân Thái Hà lại “đắt khách” nhất trong số mọi người. Chỉ một thời gian “cướp cơm” các cô khác như thế, Ân Thái Hà bị các cô kiếm cớ đánh cho thâm tím mặt mày, đành phải bỏ đi nơi khác.
Cứ như thế, Ân Thái Hà lần lượt dời từ tiệm này sang quán khác. Tiền dành dụm của Ân Thái Hà gửi qua bưu điện về ngôi trường ở quê mà không gửi cho gia đình.
Người nhận tiền là hiệu trưởng, theo lời dặn của Thái Hà, hiệu trưởng dùng tiền cho nhà trường. Khi có người hỏi tiền từ đâu ra để sửa sang trường lớp, hiệu trưởng thường nói, có mạnh thường quân quyên góp cho trẻ em trong vùng.
Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Qua bưu điện tiết lộ, rồi mọi người cũng biết tiền đó của Ân Thái Hà. Báo chí địa phương muốn tìm cách phỏng vấn cô giáo Ân, nhưng cô luôn gửi lời từ chối, vì cô đang làm cái nghề bán phấn buôn hương.
Tháng đầu tiên, tiền để mua bảng đen bằng gỗ và lợp mái lớp học. Tháng thứ hai, sắm một ít bàn gỗ và ghế gỗ. Tháng thứ ba mua sách giáo khoa, tháng thứ tư mua khăn quàng đỏ cho tất cả các em đội viên trong trường. Tháng thứ năm, không còn một em nào phải đi chân đất đến lớp.
Tháng thứ sáu, Ân Thái Hà về thăm trường. Tất cả lũ trẻ đều ồ lên chào đón khi cô giáo xuất hiện. Nhìn thấy lũ trẻ cười mà cô thì khóc. Tháng thứ 6,7,8 trôi qua, trường có thêm những đồ mới. Tháng thứ 11, khi cột cờ được dựng lên ở sân trường, lũ trẻ có thể làm lễ chào cờ thì Ân Thái Hà mang thai, cô phải đi nạo thai.
Nạo thai xong, cô đi làm gái bao cho một người buôn bất động sản. Không ngờ chỉ trong vòng nửa năm, giá đất ở Thâm Quyến có biến động, ông này phá sản và không để lại cho cô một đồng nào.
Lúc này Ân Thái Hà đã quá mỏi mệt và rất muốn quay về nhà. Nhưng mơ ước chưa hoàn thành, cô muốn cả ngôi trường được xây bằng gạch và muốn mua 2 máy tính cho nhà trường. Vì thế, cô tìm ông bồ cầu cứu. Ông bồ nói, không cho cô gì cả, nhưng có thể giới thiệu cho Ân Thái Hà một mối hời.
Đó là một người đàn ông ngoại quốc, trả bằng đô la. Thật đáng tiếc, trong lần “giao dịch” này, Ân Thái Hà bị ba người ngoại quốc cưỡng bức đến chết. Khi đó cô vừa tròn 21 tuổi.
Cô giáo chết khi chưa xây được ngôi trường bằng gạch và cũng chưa mua được máy tính cho học sinh.
Một cô gái điếm chết thì cũng không phải một tin đáng chú ý, trời Thẩm Quyến thì vẫn trong xanh, xe cộ vẫn nhộn nhịp, quan chức vẫn sang trọng, những thương vụ vẫn hoành tráng. Những người hãnh tiến vẫn háo hức bàn về cổ phiếu, giá ô tô, âm nhạc và điện ảnh, tình yêu. Những đôi tình nhân bên đường hôn nhau đấy nhưng có khi chỉ vì một khó chịu nhỏ cũng đòi sống đòi chết trước mắt nhau.
Không ai để ý một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Cam Túc đang tổ chức một lễ truy điệu, chỉ có học sinh và phụ huynh tham gia. Có một tấm ảnh của Ân Thái Hà và cuốn nhật ký mà hiệu trưởng mở ra đọc trước mặt mọi người trong lễ truy điệu: Mỗi lần bán dâm cứu được một trẻ em nghèo thất học, mỗi lần làm gái bao có thể vực dậy một ngôi trường tiểu học hy vọng…
Lần đầu tiên, lá quốc kỳ Trung Quốc đã rủ xuống vì cái chết của một cô gái điếm.
0 nhận xét:
Post a Comment