Ngư dân địa phương nhận định nước biển màu đỏ xuất hiện ở xã Nhân Trạch là do bùn đất từ sông đổ về nhưng chuyên gia khoa học lại cho rằng, có thể đó là dấu hiệu thuỷ triều đỏ.
Ngày 5/5, nước biển sát bờ xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) không còn màu đỏ được cho là giống với hiện tượng thuỷ triều đỏ. Nhiều ngư dân địa phương nhận định, màu đỏ trên là do trận mưa xảy ra vào chiều 3/5 cuốn theo bùn đất từ sông đổ về.
Ngư dân Nguyễn Văn Đạt (60 tuổi) cho biết, ông đi biển từ năm 17 tuổi đến giờ, hàng năm đều thấy nước biển sát bờ ở xã Nhân Trạch có màu đỏ.
Ngư dân địa phương cho rằng, màu đỏ nước biển là do trận mưa xảy ra vào chiều 3/5 cuốn theo bùn đất từ sông đổ về. Ảnh: Văn Được.
“Vệt đỏ này năm nào chúng tôi cũng thấy. Đây là vết bùn đất từ thượng nguồn sông Dinh đổ về cửa biển rồi lan ra vùng nước sát bờ ở Nhân Trạch”, ông Đạt nói.
Cũng có ý kiến tương tự, ông Nguyễn Sao Đâu (60 tuổi, thôn phó thôn Khối) nói, hiện tượng nước biển màu đỏ ở Nhân Trạch chẳng có gì lạ.
Chiều 4/5, đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước đã có mặt tại Nhân Trạch để lấy mẫu nước, mẫu trầm tích để tìm hiểu.
Theo GS – TS Khoa học Dương Đức Tiến (nguyên giảng viên cao cấp Đại học Quốc gia Hà Nội), người có nhiều năm nghiên cứu hiện tượng này thì cho rằng, có thể đây là một trong những dấu hiệu của hiện tượng thủy triều đỏ. Theo GS Tiến, để khẳng định chính xác 100% hiện tượng xảy ra ở Nhân Trạch thì cần có thời gian nghiên cứu thêm.
“Đối với tôi, hiện tượng nước nở hoa trong thủy triều tôi đã thấy vài chục năm rồi, và hiện tượng cá chết trong thủy vật nội địa thường xuyên xảy ra. Đối với tôi hiện tượng thủy triều đỏ tôi thấy nhiều ở Nhật Bản và nhiều nước khác, nhưng ở Việt Nam đây là lần đầu tiên”, GS Tiến nói.
Trong khi đó, GS Fukio đến từ Nhật Bản khẳng định, mẫu nước và mẫu cá chết thu thập được tại xã Nhân Trạch (nơi xuất hiện vệt nước màu đỏ trong ngày 4/5) sẽ được đưa về Nhật Bản nghiên cứu.
“Chúng tôi đến đây để khảo sát, thấy ở bờ biển có một vệt nước dài màu đỏ, hiện nay chúng tôi đang lấy mẫu và nghiên cứu. Thời điểm này chưa có kết quả chính thức, cho nên là trước hết chúng tôi sẽ mang mẫu về Hà Nội và gửi về Nhật Bản phân tích. Sau đó, sẽ tìm hiểu hiện tượng này là gì và có câu trả lời chính thức”, GS người Nhật cho biết.
Liên quan đến vụ việc, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình đã lấy mẫu nước biển ở khu vực trên để kiểm tra, báo cáo Tổng cục Môi trường vào hỗ trợ để xác định nguyên nhân.
0 nhận xét:
Post a Comment