“Trường THCS nên cấm học sinh dùng điện thoại. Điển hình là vụ việc vừa rồi, các em cãi nhau trên facebook dẫn đến gây lộn, đánh nhau ngoài đời thực ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường học đường”, luật sư Trần Thu Nam cho biết.
Sự việc nữ sinh tại trường THCS 15/10 (Mộc Châu, Sơn La) thẳng tay tát bạn hơn 50 cái, hộc máu mũi đang khiến nhiều người bức xúc.
Hình ảnh nữ sinh tát bạn liên tiếp (ảnh: Internet)
Liên quan tới sự việc, cô Lê Thị Loan – nguyên Phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho hay: “Trong clip mà mọi người chia sẻ, em học sinh nữ có tên C.T.P đã dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với bạn bằng 52 cái tát. Đây không phải là hiện tượng quá hiếm.
Nguyên nhân dẫn tới hành động mang tính chất bạo lực này, theo tôi, từ phía gia đình, nhà trường, xã hội và chính mỗi em học sinh đó đều có trách nhiệm. Tuy nhiên phía nhà trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì sự việc ấy xảy ra trong lớp học, trong phạm vi mà nhà trường quản lý.
Để xảy ra sự việc đáng tiếc ấy, chúng ta một lần nữa cần nhìn thẳng vào vấn đề: Phải chăng trong công tác giáo dục học sinh, chúng ta còn nặng về lý thuyết kiểu như đề ra quá nhiều nội quy, quy chế yêu cầu các em phải thực hiện nếu vi phạm sẽ bị xử lý. Thế nhưng, chúng ta chẳng hề quan tâm xem lý do tại sao các em lại vi phạm đạo đức học đường.
Hơn thế, những hình phạt của nhà trường hiện nay chỉ càng làm các em trở nên chai sạn hơn, chứ không giúp các em nhận thức rõ vấn đề và trường hợp nữ sinh hành hạ bạn ở trên là một ví dụ”.
Cũng theo cô Loan: “Chúng ta phải thừa nhận rằng nhiều học sinh hiện nay thiếu kỹ năng sống, nhất là kỹ năng xử lý mâu thuẫn. Vì thế nên khi gặp những bất đồng các em thường giải quyết theo cảm tính, bản năng mà không lường được hậu quả.
Để giải quyết triệt để, nhà trường cần quan tâm hơn đến em, nhất là giáo dục học sinh cá biệt, cần tìm cách cảm hóa để khơi dậy những mặt tích cực trong nhân cách học sinh để đẩy lùi những mặt tiêu cực.
Ngoài ra, mỗi trường nên xây dựng một nhà “tham vấn học đường”. Đó là trợ thủ đắc lực cho giáo viên trong việc xử lý các tình huống và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, giúp các em phát triển hài hòa, để môi trường giáo dục trong sạch hơn” .
Chia sẻ với PV báo Infonet, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay: “Trường hợp nữ sinh tát bạn 52 cái ngay tại lớp học không xử lý được về hình sự vì thương tích của nạn nhân nếu có thì không đủ mức bị coi là tội rất nghiêm trọng, trong khi nữ sinh này mới 14 tuổi.
Nữ sinh thẳng tay tát bạn cùng lớp như thế là do nhận thức còn hạn chế, tự phát cần được giáo dục, vì thế cũng không nên áp dụng các hình phạt đối với các em”.
Luật sư Trần Thu Nam khẳng định thêm: “Bạo lực học đường là vấn đề đáng báo động hiện nay, nguyên nhân sâu xa là do các em được giáo dục chưa tốt, ảnh hưởng từ mạng xã hội. Có lẽ các trường THCS nên cấm học sinh dùng điện thoại trong trường.
Phụ huynh cũng nên kiểm soát việc sử dụng điện thoại thông minh đối với các em. Điển hình là vụ việc vừa rồi, các em cãi nhau trên facebook dẫn đến gây lộn, đánh nhau ngoài đời thực ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường học đường”.
0 nhận xét:
Post a Comment