Việt Nam “bày trận” phòng thủ Biển Đông ~ Tin Tức Hà Nội

Friday, May 6, 2016

Việt Nam “bày trận” phòng thủ Biển Đông

Việt Nam có thể mua hơn một chục tiêm kích Su-35. Ngoài S-300, Hà Nội cũng định mua phiên bản nâng cấp S-400. Tuy nhiên, Việt Nam không dừng lại ở đây mà đã quyết định phát triển chiến lược chống tiếp cận riêng và mua thêm các tên lửa chống hạm của Nga, chuyên gia Henrik Paulsson phân tích trên Lowyinterpreter.

Chiến đấu cơ Su-30MK2 của không quân Việt Nam

Nếu nổ ra một cuộc xung đột trên Biển Đông, sự kết hợp của các binh chủng để giành lợi thế là điều cần thiết, trong đó không quân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động phối hợp này. Do đó, đây là lĩnh vực cần phải có thêm những đánh giá và phân tích từ các chuyên gia và học giả.

Phần lớn các phân tích chiến lược gần đây về Biển Đông tập trung vào các lĩnh vực hải quân, với việc mua tàu ngầm mới của Việt Nam, Malaysia và Hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển tranh chấp này. Ngược lại, lĩnh vực hải quân thì hoặc bị lãng quên hoặc chỉ được đề cập thoáng qua. Sự vắng bóng những phân tích về sức mạnh không quân có nghĩa rằng một số câu hỏi vẫn đang bị bỏ ngỏ. Cụ thể, liệu Việt Nam, Malaysia và Philippines có thể thách thức sự xâm lấn của Trung Quốc ở vùng không phận trên Biển Đông hay không?

Theo Paulsson, số lượng máy bay mà Trung Quốc sở hữu nhiều hơn bất cứ thứ gì mà Việt Nam, Malaysia và Philippines có. Riêng ở Quân khu Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, đã có khoảng 158 máy bay chiến đấu hiện đại và khoảng 164 chiếc cũ hơn thuộc cả lực lượng không quân của hải quân và không quân. Phần lớn máy bay mới thuộc dòng Sukhoi Su-27, với tổng cộng 110 chiếc. Thậm chí tính cả về hậu cần và khả năng của các căn cứ không quân thì chỉ riêng ở Quân khu Quảng Châu, Trung Quốc có thể triển khai một lực lượng đông hơn nhiều so với cả ba đối thủ này kết hợp lại.

Về phần mình, Việt Nam có 40 máy bay loại mới hơn từ dòng Su-27, trong đó có 29 chiến đấu cơ Su-30MK2, một trong những phiên bản tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay. Việt Nam còn có 61 máy bay chiến đấu dòng cũ hơn, nhưng chất lượng không được rõ lắm. Malaysia sở hữu 18 chiến đấu cơ Su-30MKM, cộng thêm 43 chiếc cũ hơn gồm nhiều loại khác nhau. So với Malaysia và Việt Nam, Philippines có năng lực phòng không kém hơn nhiều, với chỉ 12 chiếc máy bay tấn công hạng nhẹ mới loại FA-50 mới được Hàn Quốc chuyển giao.

Lợi thế địa hình

Ông Paulsson đánh giá, lực lượng không quân của Việt Nam, Malaysia và Philippines có lợi thế về địa hình – những đảo nằm trong vùng tranh chấp ở gần căn cứ không quân của họ hơn so với Trung Quốc. Các máy bay chiến đấu cũ của lực lượng không quân Việt Nam và Malaysia có thể dễ dàng đến các đảo đang kiểm soát. Philippines có một số lợi thế tương tự, nhưng số lượng máy bay lại hạn chế.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải hoàn toàn không có lợi thế: Các máy bay dòng Su-27 là loại máy bay tầm xa và có thể tiến hành các hoạt động chiến đấu từ các căn cứ trên đảo Hải Nam. Thế nên điều đáng chú ý là khoảng cách càng xa giữa căn cứ và mục tiêu thì càng có ít thời gian để thực sự thực hiện các nhiệm vụ và khả năng tiến hành các đợt tuần tra không phận tầm xa bị hạn chế. Việc thực sự tiến hành được các hoạt động kiểu này ở khoảng cách như vậy không phải là một lựa chọn. Do vậy, nhu cầu về xây dựng các căn cứ gần quần đảo Trường Sa trở thành một mệnh lệnh chiến lược và hành động đối với Trung Quốc.

Năm 1990, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài 2.700m trên đảo Phú Lâm, đủ dài để phục vụ bất kỳ máy bay chiến đấu nào của Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở việc xây đường băng trên đảo Phú Lâm, nước này còn xây dựng một hệ thống radar lớn và đủ chỗ cho các bệ phóng tên lửa. Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu hiện đại và các tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 đến đảo này. Từ đảo Phú Lâm, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc có thể bao phủ gần như toàn bộ không phận ở Biển Đông.

Về phía Nam ở quần đảo Trường Sa, các sân bay và hệ thống phòng không liên quan được xây dựng trên bãi Subi và Đá Chữ Thập đang gần hoàn thành, bổ sung thêm những cơ sở khác của Trung Quốc như radar và các bệ phóng tên lửa. Từ những căn cứ không quân trên các đảo này, thậm chí cả máy bay chiến đấu loại cũ của Trung Quốc cũng có thể tham gia một cuộc xung đột tiềm năng và uy hiếp các căn cứ của Malaysia và Philippines bất cứ lúc nào, bởi hai nước này đều thiếu năng lực phòng không.

Việc kết hợp các sân bay và bệ phóng tên lửa tạo ra một mạng lưới đa tầng lớp có khả năng ngăn chặn hiệu quả những cuộc tấn công của đối thủ nhằm vào các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ. Trong khi ưu tiên tập trung vào khả năng ngăn chặn xâm nhập của hải quân, phiên bản phòng không chống tiếp cận (A2/AD) của Trung Quốc giúp ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với các căn cứ trên đảo chiếm cứ trái phép. Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng những căn cứ trên đảo này cùng các lực lượng hải quân và không quân liên quan của Trung Quốc dễ bị tấn công, ý nói Mỹ sẽ tham gia một cuộc xung đột tiềm năng, nhưng Việt Nam và Malaysia không thể dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ. Philippines có các hiệp ước quân sự với Mỹ, những sự điều chỉnh gần đây của lực lượng không quân Phiplippines cho thấy nước này mong muốn nâng cao năng lực của chính mình.

Thách thức Trung Quốc

Theo ông Paulsson, sức mạnh không quân của các nước quanh Biển Đông vẫn không cân bằng và nghiêng về Trung Quốc, thực tế các nước này sẽ không thể chống đỡ được các cuộc tấn công kéo dài từ Trung Quốc. Nhiều nhất là họ có thể buộc Trung Quốc phải trì hoãn. Để có cơ hội chiến đấu, cả Malaysia, Việt Nam và Philippines đều cần củng cố và tăng cường lực lượng không quân cũng như khả năng phòng không của mình. Các nước đều nhận thức được điều này và đều đã chuẩn bị theo những cách khác nhau.

Vào tháng 11/2015, Malaysia tổ chức một cuộc tập trận phòng không đáng kể với sự tham gia của các máy bay Su-30MKM, các máy bay F/A-18D (Mỹ) và BAE Hawks (Anh). Các chiến đấu cơ này thực hành chiến đấu trên không, phòng vệ trên không và ném bom chính xác. Hơn nữa, cuộc tập trận này được thực hiện từ căn cứ không quân Labuan, ngay phía nam quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, Malaysia còn có ý định mua những máy bay chiến đấu tiên tiến loại mới để nâng cấp và củng cố lực lượng không quân.

Việt Nam cũng nhận ra điểm yếu của mình về phòng không và đã có thông tin về việc Việt Nam định mua thêm hơn một chục chiến đấu cơ tối tân Su-35. Hà Nội cũng đã mua các hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, và có ý định mua phiên bản nâng cấp S-400. Tuy nhiên, Việt Nam không dừng lại ở đây và đã quyết định phát triển chiến lược chống tiếp cận riêng, cũng như mua thêm các tên lửa chống hạm của Nga, Paulsson phân tích.

qdvietnambastion3 552016 Việt Nam “bày trận” phòng thủ Biển Đông

qdvietnamklubs 552016 Việt Nam “bày trận” phòng thủ Biển ĐôngHệ thống tên lửa bờ Bastion và tên lửa Klub-S trang bị trên tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam

Philippines là nước đi xa hơn cả để chuẩn bị cho bất kỳ cuộc xung đột nào chống Trung Quốc, cả trên không hay trên biển. Kế hoạch dài hạn của lực lượng phòng không Philippines là nhằm có được không chỉ những máy bay chiến đấu tiên tiến mới vào năm 2021, mà còn cả các hệ thống cảnh báo sớm trên không – điều mà các nước khác không tuyên bố công khai – và các tên lửa phòng không đặt trên mặt đất cũng như các hệ thống radar.

Các loại chiến đấu cơ tiềm năng mới được các nước Đông Nam Á nhắm tới bao gồm: Saab JAS-39 Gripen (Thụy Điển), Eurofighter Typhoon (EU), Dassault Rafael (Pháp), F-16V nâng cấp (Mỹ) và Su-35 (Nga). Việt Nam có truyền thống mua vũ khí của Nga, do vậy nhiều khả năng nhất là Hà Nội sẽ mua Su-35. Philippines dường như ủng hộ JAS-39, trong khi Malaysia có truyền thống mua kết hợp cả máy bay chiến đấu của Nga và phương Tây, nên sự lựa chọn có thể rơi vào một trong hai cách.

Ông Paulsson đánh giá, cả ba nước Malaysia, Việt Nam và Philippines đều đã nhìn thấy các mối đe dọa, không chỉ từ biển – khi phải đối phó với một mạng lưới tên lửa chống hạm, mà còn cả trên không. Nếu họ có thể sở hữu những loại vũ khí này, học cách sử dụng và triển khai chúng một cách hiệu quả, hoàn toàn có thể chống lại và thậm chí đe dọa sự xâm lấn của Trung Quốc. Họ có thể thách thức Bắc Kinh ở trên không và tăng cường hiện đại hóa lực lượng hải quân của mình, Paulsson kết luận.

0 nhận xét:

Post a Comment